Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân Quảng Bình phát triển kinh tế

Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân Quảng Bình phát triển kinh tế

Địa phương quyết tâm

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Bình giảm từ 6,52% xuống 4,05% so với năm 2022 và có 89/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt vùng núi cao, miền biển xa khởi sắc, đời sống người dân cải thiện rõ rệt. Đây là thành quả của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đúng đắn của Tỉnh ủy; sự quyết tâm triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách của UBND tỉnh; cùng sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, ban, ngành, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh.

Quảng Bình luôn dành sự quan tâm cho NHCSXH hoạt động

Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài chia sẻ, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị của Đảng, hoạt động tín dụng chính sách ở Quảng Bình có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, ngành lao động, thương binh và xã hội phối hợp với chính quyền địa phương các cấp thực hiện việc điều tra, rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo đúng quy định hiện hành, tạo thuận lợi cho NHCSXH cho vay vốn ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng. Ngành tài chính cũng ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời ưu tiên hỗ trợ ngân sách trang bị, mua sắm thiết bị phục vụ làm việc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Đơn cử, UBND 9 huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh hàng năm đều trích ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Điển hình là thành phố Đồng Hới ủy thác sang NHCSXH tỉnh cao nhất, với 15,6 tỷ đồng; tiếp đó là các huyện Lệ Thủy 14,6 tỷ đồng, Quảng Trạch 14,2 tỷ đồng…

Nguồn vốn ín dụng chính sách phủ xanh đất đồi hoang hóa

Hàng nghìn hộ dân thoát khỏi nghèo đói

Sau hơn 2 thập niên hoạt động, nhất là qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, đội ngũ cán bộ điều hành, tác nghiệp của NHCSXH ở Quảng Bình được củng cố, đạt trình độ cao về chuyên môn và luôn tận tâm thực hiện sứ mệnh vì người nghèo và gia đình chính sách.

Nhằm giúp người dân xã miền núi nghèo Hóa Hợp, huyện Minh Hóa phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cấp ủy, chính quyền sau khi học tập, quán triệt Chỉ thị 40-CT/TW đã tuyên truyền vận động người dân mạnh dạn sử dụng vốn vay chính sách chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại có giá trị cao hơn.

Gia đình chị Cao Thị Hà sau 2 lần vay vốn của Chương trình tín dụng dành cho hộ DTTS nghèo đã đầu tư trồng 250 trụ cây thanh long và làm chuồng trại nuôi lợn bản địa đào ao nuôi cá. Trên vùng đất hoang hóa năm nào, nhờ đồng vốn ưu đãi và biết thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình chị Hà giờ có thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu đồng.

Hay như ở huyện Bố Trạch, NHCSXH đã chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể các xã bãi ngang ven biển đẩy mạnh cho vay hộ nghèo làm nhà ở phòng chống bão lũ và cho vay vốn giải quyết việc làm, giúp ngư dân chuyển đổi ngành nghề, mua sắm lưới cụ vươn khơi đánh bắt hải sản. Gia đình ông Hồ Sĩ Lượng ngụ xã Đức Trạch được vay 100 triệu đồng vốn chính sách nên đã mua thêm lưới cụ, cải tạo con thuyền để tiếp tục bám biển, nâng cao cuộc sống.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp ngư dân vươn khơi, bám biển

Có thể khẳng định, Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống ở tỉnh Quảng Bình; tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách; tạo sự đồng thuận cao trong công tác huy động, tập trung nguồn lực của địa phương, đồng thời tăng thêm năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH tại địa phương để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên trong sản xuất, từng bước giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Qua 10 năm thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, đồng vốn của NHCSXH đã đầu tư đúng đối tượng, đạt kết quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của đông đảo người dân để đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Thành tích nổi bật là đã giải quyết cho hơn 283 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần giúp 45,6 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, có 4,6 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; thu hút, tạo việc làm thường xuyên gần 42 nghìn lao động; xây dựng, sửa chữa nâng cấp 195 nghìn công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn; cho vay làm nhà ở kiên cố trên 6,2 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 220,9 tỷ đồng, tăng 204,3 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW, góp phần nâng tổng nguồn vốn chính sách toàn tỉnh đạt 5346 tỷ đồng, tăng 3.169 tỷ đồng so với 10 năm trước, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,6%/năm.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/tin-dung-chinh-sach-dong-hanh-cung-nguoi-dan-quang-binh-phat-trien-kinh-te-i372330/

The post Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân Quảng Bình phát triển kinh tế first appeared on Vietnam.vn.

Mục nhập này đã được đăng trong world. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *