Năm 2023, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai công tác phối hợp, bảo đảm hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và yêu cầu thực tiễn, đạt kết quả chủ yếu sau: Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thiết thực, tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động, nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động, đồng bộ hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí… Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động.
Các Bộ, ngành và cơ quan ở địa phương đã thực hiện ký kết Quy chế phối hợp công tác với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay đã ký kết 14 Quy chế, chương trình phối hợp, định kỳ tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá kết quả phối hợp, tổ chức giám sát về tình hình thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại doanh nghiệp.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tổng Liên đoàn đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ. Tổng Liên đoàn đã ban hành thực hiện chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn cả nước.
Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” trong giai đoạn 2022-2023 đã thành công vượt chỉ tiêu đề ra thể hiện sức sáng tạo và trí tuệ của người lao động Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành đã tham dự các hoạt động của tổ chức công đoàn; đến thăm, động viên đoàn viên công đoàn, người lao động tại các cơ sở sản xuất, các nhà máy, khu công nghiệp nhân dịp Tháng Công nhân. Vào dịp Tết nguyên đán, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo và tham gia nhiều hoạt động chăm lo Tết đối với người lao động, thăm, chúc Tết và tặng quà tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tham dự hoạt động Tết Sum vầy, Mái ấm công đoàn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước…
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hai bên đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, cả những công việc thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Các nội dung phối hợp được triển khai chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả, thiết thực, đi vào những nội dung cụ thể để giải quyết các vấn đề về nhà ở cho người lao động, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động theo chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước; đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển, tăng nguồn cung nhà ở xã hội đáp ứng cho các đối tượng, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát huy vai trò trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các cơ chế, chủ trương, chính sách quản lý liên quan trực tiếp đến việc làm, tiền lương; chủ động nắm tình hình thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, kịp thời phản ánh tới các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ những vấn đề phát sinh cần giải quyết.
Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chương trình triển khai các nhiệm vụ Đại hội XIII và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra; phối hợp thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể theo Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư; phối hợp tổ chức thành công đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn để giải quyết hoặc báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết. Chỉ đạo các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố tham mưu, đề xuất tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa các đoàn đại biểu Quốc hội trước các Kỳ họp Quốc hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, đã có những tác động tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách; thực thi chính sách. Sự phối hợp luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng khẳng định, sự phối hợp ngày càng khăng khít, chất lượng, thành công, hiệu quả giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước thời gian qua.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao và cám ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước thời gian qua; nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn vững mạnh, coi đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vai trò, vị trí và sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị. Theo đó, phải xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết tốt các vấn đề đặt ra trong tình hình mới.
Định hướng phối hợp công tác thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các vấn đề tài chính, tài sản của Công đoàn; phải có quy chế chặt chẽ; phải có cơ chế quản lý phù hợp kinh tế thị trường (nhất là các cơ sở lưu trú về du lịch), tăng cường hợp tác công tư để khai thác hiệu quả tài sản của Công đoàn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, tạo cơ hội cho Công đoàn viên được hưởng các dịch vụ xứng đáng hơn.
Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt mọi quy định phải tuân theo sự lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp và pháp luật; không ai được đứng ngoài pháp luật.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh “1 nhiệm vụ trung tâm”: Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên, góp phần tích cực vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
“3 quan tâm” gồm: Quan tâm hơn nữa đến việc lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân: thông qua khảo sát, đối thoại, tiếp xúc cử tri…; phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; chăm lo các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; vấn đề về nhà ở cho người lao động (phải là bước bứt phá, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao…
Quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo Hiến pháp, pháp luật và theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tổ chức thực hiện không đúng, lợi dụng chính sách để chống phá.
“5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về lao động và tạo thuận lợi cho người lao động, công đoàn: theo đó, phối hợp, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn, trọng tâm là trình Quốc hội sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012; tham mưu văn bản của Thường trực Ban Bí thư “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn”; chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động; trong đó, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan phải tham vấn ý kiến của Tổng Liên đoàn về việc xây dựng các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công đoàn, người lao động.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động. Trong đó, tuyên truyền để người sử dụng lao động, cán bộ, đoàn viên và người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội; Công đoàn phải vì lợi ích chung.
Đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, như: “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; phát triển phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” sát hợp với từng khu vực, từng đối tượng, trọng tâm là “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong khu vực sản xuất kinh doanh; phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp,…. với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới: trong đào tạo lao động, nhất là lao động chất lượng cao; nâng cao tính tích cực, chủ động sáng tạo của công nhân, người lao động; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả…, trong đó có nội dung nâng cao năng suất lao động, như sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đẩy mạnh thực hiện tốt vai trò của Công đoàn, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động: đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, xây dựng cơ sở dữ liệu của công đoàn (như Đề án 06); thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; quan tâm phát triển đảng viên trong công nhân, viên chức, lao động, đặc biệt là công nhân lao động trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp; coi trọng vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý quản lý tài sản, tài chính công đoàn chặt chẽ; hợp tác công tư, khai thác hiệu quả tài sản của công đoàn theo hiến pháp, pháp luật; tạo công đoàn viên được hưởng dịch vụ theo cơ chế thị trường.
Về các đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng thống nhất, giao các bộ, cơ quan trong quá trình xây dựng pháp luật quan tâm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, hoạt động của Công đoàn; giao các cơ quan chức năng, địa phương liên quan, lực lượng thực thi pháp luật tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Nguồn: https://nhandan.vn/tang-cuong-phoi-hop-chat-che-hieu-qua-giua-chinh-phu-va-tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-post811225.html
The post Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam first appeared on Vietnam.vn.